Là một người trẻ năng động và hiện đại, du học sang một đất nước khác vừa là cơ hội vừa là thách thức lớn cho bạn. Làm thế nào để trải nghiệm được môi trường học vừa có việc làm thêm tăng thu nhập cho sinh hoạt luôn là chủ đề khiến nhiều du học sinh quan tâm. Các công việc làm thêm tại Mỹ được chia thành 2 nhóm chính, bao gồm công việc trong trường (on-campus) và công việc ngoài trường (off-campus) với một vài khác biệt cơ bản.
Phân biệt công việc trong trường và công việc ngoài trường
Công việc trong trường là những công việc nằm trong khuôn viên trường hoặc ở bên ngoài nhưng có liên quan đến trường (có thể là quán cà phê, hiệu sách của trường,…). Du học sinh được phép làm việc tối đa 20 giờ/tuần/học kỳ trong trường và làm toàn thời gian khi nghỉ hè (tối đa 40 giờ/tuần) với visa sinh viên dạng visa F1.
Để ứng tuyển, bạn sẽ cần nộp hồ sơ 30 ngày trước khi công việc bắt đầu. Để biết chính xác quy trình, hãy trao đổi với các cán bộ trong trường được chỉ định (designated school official – DSO). Nếu họ chấp thuận, bạn sẽ được cấp thư mời để lấy được mã số an sinh xã hội.
Công việc ngoài trường là những công việc bên ngoài không liên quan đến trường đại học. Thông thường visa F1 không được phép làm việc ngoài trường, ngoài trừ khi bạn đã trải qua một số khóa đào tạo để lấy được giấy phép.
Sinh viên dạng F1 khi hoàn thành ít nhất 1 năm học tại trường sẽ được Bộ An ninh Nội địa (Department of Homeland Security) xác nhận tình hình tài chính khó khăn. Ở đây có 2 chương trình dành cho sinh viên muốn học hỏi kinh nghiệm với các công việc ngoài trường: Tập huấn không bắt buộc (Optional practical training – OPT) và Tập huấn bắt buộc (Curricular practical training – CPT). Hãy trao đổi với cán bộ của nhà trường (DSO) để biết mình có đủ điều kiện để tham gia các chương trình này hay không.
Các công việc trong và ngoài nhà trường cho du học sinh Mỹ
Công việc trong trường (on-campus)
Trợ lý nghiên cứu: Sinh viên sẽ được làm các phòng thí nghiệm khoa học. Nhiệm vụ của vị trí này là tìm kiếm thông tin và dữ liệu, thực hiện khảo sát và hỗ trợ nghiên cứu về những công trình đã công bố khác trên Internet hay các nguồn liên quan khác để hỗ trợ cho giảng viên, giáo sư.
Hướng dẫn viên tham quan trường: Đây là công việc thú vị cho những bạn thích giao lưu kết nối. Đa số các trường đại học ở Mỹ thường có khuôn viên rộng, kiến trúc cổ kính. Công việc này sẽ thích hợp cho những bạn quen thuộc với các lối đi trong trường, có lượng kiến thức tương đối về lịch sử, kiến trúc của trường. Để biết thêm thông tin về các vị trí tuyển dụng, hãy liên hệ trực tiếp với phòng tuyển sinh của trường.
Trợ lý các phòng ban: Vị trí này là cơ hội tuyệt vời giúp bạn xây dựng mối quan hệ với các giáo sư, giảng viên. Bạn sẽ làm việc tại một phòng ban cụ thể trong trường và phụ trách chủ yếu các công việc văn thư, hành chính, lưu trữ tài liệu. Hãy liên hệ trưởng ban hay giảng viên trong khoa của bạn để biết thông tin về vị trí này,
Trợ giảng: Đây là công việc hoàn hảo dành cho những ai muốn theo đuổi lĩnh vực học thuật hay đơn giản là ôn lại bài sau giờ học. Hãy chủ động hỏi các thầy cô để xin làm trợ giảng nếu bạn muốn làm việc tại vị trí này vì thông thường công việc trợ giảng sẽ không được tuyển dụng công khai.
Chạy bàn và trợ lý quầy ăn: Trợ lý quầy ăn bao gồm các công việc như phục vụ ở nhà hàng, cà phê hay làm những công việc hành chính, quản trị trong văn phòng. Sinh viên có thể tìm kiếm công việc này ở các nhà hàng hay quán cafe xung quanh khuôn viên trường. Bạn có thể làm việc tại đó nếu các nhà hàng này có ký thỏa thuận trước với trường của bạn.
Thủ thư: Công việc thủ thư là công việc ngồi bàn giấy, theo dõi và kiểm kê các đầu sách tại thư viện, giúp sinh viên tìm sách họ muốn hoặc sử dụng các dịch vụ khác trong thư viện. Đây là công việc yên tĩnh nhất trong trường, giúp bạn vừa làm vừa có thời gian làm bài tập hay tra cứu thêm.
Kỹ thuật viên phòng máy: Những ai có kinh nghiệm về phần cứng và phần mềm máy tính sẽ thích hợp với vị trí này. Bạn sẽ hỗ trợ kỹ thuật và chăm sóc những người có nhu cầu sử dụng phòng máy. Khả năng xử lý vấn đề cơ bản và kỹ năng giao tiếp mạch lạc là điều kiện cần cho vị trí này.
Gia sư: Nếu có nền tảng kiến thức tốt, bạn có thể làm gia sư cho các bạn trong lớp. Nếu trường mà bạn theo học có một trung tâm giáo dục, bạn có thể tìm kiếm một vị trí giảng dạy chính thức tại đây. Đặc biệt ở các trường đại học thiên về thể thao, rất nhiều bạn sinh viên sẽ có nhu cầu về gia sư bởi họ không có nhiều thời gian đầu tư vào việc học văn hóa. Công việc này cho phép bạn làm việc linh hoạt, tùy vào thỏa thuận giữa hai bên.
Công việc ngoài trường (off-campus)
Trực điện thoại: Đây là vị trí phù hợp với những bạn hoạt ngôn và muốn cải thiện kỹ năng giao tiếp. Công việc này đòi hỏi khả năng giao tiếp và vốn ngoại ngữ tốt với mức lương khá cao so với mặt bằng chung. Nhiều trung tâm dịch vụ khách hàng cũng cho phép làm việc tại nhà, giúp bạn linh hoạt và chủ động sắp xếp thời gian làm việc. Bạn có thể tìm cơ hội qua các trang thông tin đăng tin việc làm như Hired, collegegrad…
Cộng tác viên bán hàng: Nhiệm vụ công việc này là hỗ trợ và cung cấp thông tin cho khách hàng về các lựa chọn sản phẩm trong quá trình mua sắm. Sinh viên có thể xin việc ở chuỗi siêu thị như Walmarts hay các cửa hàng thực phẩm, tùy vào khu vực mình sinh sống.
Phiên dịch và biên dịch: Mỹ là quốc gia có hoạt động thương mại mạnh mẽ với nhiều quốc gia khác nhau, từ Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ đến Việt Nam,… Chính vì thế, các đơn vị cũng có nhu cầu tuyển dụng rất lớn trong lĩnh vực kinh doanh, mua bán, dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, bệnh viện hay trường học. Tùy vào khả năng cũng như lĩnh vực mà bạn quan tâm, bạn có thể ứng tuyển vào những dự án dịch thuật phù hợp.
Có thể thấy cơ hội có việc làm thêm ở Mỹ khá nhiều và hấp dẫn cho mọi đối tượng sinh viên, tuy nhiên bạn cũng cần phải học cách cân bằng thời gian biểu để đảm bảo kết quả học tập tốt nhất.
Tham khảo thông tin du học và các trường đại học danh tiếng tại đây.
𝐄𝐦𝐚𝐢𝐥: 𝐢𝐧𝐟𝐨@𝐰𝐞-𝐠𝐥𝐨𝐛𝐚𝐥𝐞𝐝𝐮𝐜𝐚𝐭𝐢𝐨𝐧.𝐜𝐨𝐦
𝐇𝐨𝐭𝐥𝐢𝐧𝐞: 𝟎𝟐𝟖 𝟐𝟐𝟐𝟐 𝟑𝟗𝟕𝟗 – 𝟎𝟗𝟕𝟏 𝟏𝟗𝟕 𝟎𝟑𝟗 – 𝟎𝟗𝟕𝟗 𝟓𝟗𝟓 𝟐𝟖𝟐
𝐖𝐞𝐛𝐬𝐢𝐭𝐞: 𝐰𝐰𝐰.𝐰𝐞-𝐠𝐥𝐨𝐛𝐚𝐥𝐞𝐝𝐮𝐜𝐚𝐭𝐢𝐨𝐧.𝐜𝐨𝐦